14 thg 9, 2011

♥Thung lũng Bách nhiên


Trăm năm nữa, dẫu có về đất, tôi vẫn sẽ nhớ hoài khung trời màu tro vạc đắm vào màu mắt ông nội nơi thung lũng Bách Niên. 


Bách Niên. Người từ xa thường tìm tới Bách Niên qua câu chuyện kể về những người đàn ông không bao giờ xuống núi, suốt cuộc đời chỉ mải miết đi tìm con nước ở phía ngược dòng sông. Những người đàn ông mở mang bờ bãi cho cháu con mà chẳng bao giờ nghĩ đến mình. Những đứa con sinh ra để tiếp thêm một đôi tay cường tráng.


Bách Niên. Mẹ tôi đến vì một sự tò mò ẩm ương của một cô gái mười tám. Rồi mẹ về thành phố không mang theo dấu vết của tôi. Ông nội nuôi tôi bằng sữa dê. Tôi yêu những con dê núi như yêu mạch nguồn đầu tiên nuôi nấng mình.


Bách Niên. Những người đàn ông không trễ hẹn bao giờ. Sau trăm năm tóc trắng bay theo gió trời, thác mình nơi đầu con suối. Tôi sớm tách mình khỏi rừng núi, nhưng ký ức vẫn báo thức mỗi sớm, máu trong thân xác tôi sẽ mãi chảy về đất ấm Bách Niên.


Ông nội thường ngồi trên phiến đá rộng, nơi có chòm cây bứa già tháng tám mùa thu rụng quả vàng ươm. Ông ngồi đó ơ hờ chơi. Gặp khách tứ chiếng đi qua thì ngồi nói dăm câu chuyện. Không bận rộn. Mái nhà ủ trăm năm khói trắng khói xanh qua giọt gianh của ông cũng không bận rộn.


Ông yêu mái nhà của mình. Và ông yêu tôi!


Mái nhà của ông đủ rộng đủ dài cho bố tôi và các cô chú lớn lên, sinh con đẻ cái. Ngày ông bắt đầu dựng mái nhà, có bầy chim sẻ tới đậu, kêu ríu ran. Ông nội sinh được ba người con. Bà nội vì quá ghen, nghe người làng đồn ông đi dân công lên miền Tây Bắc có vợ mọn con thêm, cái uất dồn ngày qua đêm, khi bố tôi mới lên tám thì bà ra đi trong lúc tối trời. Bà nội thành cái sẹo khó xóa trong trí não ông. Bà treo mình trên cây. Ông nội bảo, đến mãi sau này, trong những đêm tối trời, ông vẫn mường tượng ra cảnh ấy. Ông không đi bước nữa, cũng chẳng đoái hoài gì đến những người phụ nữ quanh mình. Ông sống như sống với một lời hẹn. Ông dựng cả một thung lũng phì nhiêu và nuôi những đứa con lớn lên. Rồi ông ao ước một ngày kia, những đứa con sẽ ra đi. Xuôi những con suối. Để đi tìm những thung lũng của chính mình. Nhưng không ai đi qua cây cầu để bước về phía thị trấn. Không một ai. Trừ chú Phấn.



Bố tôi không đi qua cây cầu ấy. Ông ngồi bó gối trong bếp gần như suốt mùa đông. Một bộ mặt ám khói. Ông thường ngồi đọc một cuốn sách cũ. Những câu thơ của ai đó, viết nét tròn vo như những viên sỏi cuội dưới lòng suối lạnh. Bố nói đó là những dòng chữ trời. Không ai biết đích xác nó là cái gì và từ đâu tới. Tôi nghĩ đó là những con chữ ông nội viết trong những đêm buồn rầu. Bố suốt ngày đọc, lẩm bẩm và lần hồi những nghĩ suy. Sau một cuộc tình mụ mị, bố không còn sức lực để tiếp tục cuộc hành trình, dù bố còn một gánh nặng là tôi. Bố đổ gánh nặng đó vào ông nội. Và nghiễm nhiên như một thứ trách nhiệm trời sinh. Ông nội đã mắng biết bao đêm, mà bố vẫn giống như người ngã nước. Bố tôi ngồi đó, đọc những dòng chữ tròn vo... “Đêm ta ngồi soi bóng ta trong lửa ấm. Ta gặp đôi mắt đen. Ta gặp mái tóc dài. Người đi như nắng quái...”. Người đi như nắng quái! Câu thơ ấy suốt những đêm dài mùa đông tôi thường được nghe bố nói, như một câu nói mớ. Nhưng lâu thành quen. Những đêm sương bay lạnh như bóng ma, bố lồng những trang thơ vào ngực áo tôi che bớt lạnh. Trời gió báo có tuyết, bố ôm tôi ngủ, tiếng giấy xoạt xoạt, nghe như gió mở ra một ngực sách.

Những con chữ lâu năm rất bạc. Khi tôi bắt đầu đi học, bố bắt tôi tô lại. Tô lại rồi bạc tiếp. Giờ thì bố không cần nhìn chữ trong sách. Bố cầm nó như một thói quen và giữa chiều gió to, bố cất tiếng đọc vang cả dãy nhà dài. Phải đến khi lớn lên, tôi mới hiểu một hiện thực nhạt nhẽo và tù buồn đến mức không muốn gọi tên, tôi mới biết vì sao bố không bao giờ lìa nổi chiếc bếp ngầu bồ hóng của ông nội. Ông nội nói nhiều, ông nội ngăn cấm nhiều, mà bố vẫn xì xoạch với bàn đèn. Một cuộc đời oi khói. Bố đã mãi mãi không còn là chàng trai tuấn tú đi ngược những dòng sông.

Cô Phan lấy chồng, về ở với ông nội. Chồng cô đi đốt nghiến trên rừng. Ngày trước kiếm rất nhiều tiền. Mùa đông khói nghiến cay xè mắt ông nội. Ông nội nhắc chồng cô Phan, ăn của rừng in ít, kẻo trời phạt. Chú nghe chuyện, cười tít mắt. Mỗi mùa nghiến qua đi, nhà cô Phan lại có thêm một món đồ đắt tiền. Chú có hẳn cái ti vi chuyên chiếu phim chưởng Hồng Kông. Cả thung lũng dậy lên tiếng la hét của đám trẻ con. Vào một đêm, tôi không nhớ ngày nào, chỉ biết trời tối đen và cả thung lũng nặng trĩu như một cái bình dưỡng ẩm, có tiếng cô Phan nức nở phía sau vườn chuối. Tôi và ông nội lục xục chạy đèn pin ra. Cô Phan ngất lả trên tay tôi. Chồng cô và một đứa con gái bỏ chồng đi buôn quế nằm sấp lên nhau bất tỉnh. Một con rắn lướt ngang họ, ánh mắt xanh lét. Ông nội hực lên. Đã bảo mà! Đã bảo mà! Rừng ân rừng oán! Tiếng ông nội nói như tiếng thác chém, xẻ giữa lồng ngực. Ông nội đốt theo cái nhà táng chồng cô Phan chiếc tivi và những đĩa phim con heo mà chú xem vụng trộm đêm đêm. Từ bấy cô Phan giống bố tôi, hai người lùi lũi trong gian bếp. Cô trồng ngô ban ngày, tẽ ngô ban đêm, một năm cô đi chợ thị trấn hai lần, mua những thứ kim khâu đá lửa. Ông bảo, cô quen ai thì cứ yêu, yêu rồi cưới. Cưới lần hai nhưng ông vẫn làm cỗ to nhất làng. Đàn bà con gái bước vào tuổi ngỡ ngàng như nhà không bức vách, gió quật gục mấy chốc. Nhưng cô không yêu ai, chẳng thiết tha gì. Cô Phan là chủ nhân tiếng thở dài thứ hai trong ngực ông nội.

Chú Phấn ra đi vào một ngày chớm đông, những bông hoa dại đã héo dần theo tiếng gió rét. Mùa đông lúc nào cũng buồn như mắt cô Phan. Sương muối phủ tràn lên những gốc cây già. Những ông già ngồi bán lạt giang gói bánh chưng đầu cầu chào chú Phấn, chân xù xì như những củ sắn lùi vội. Những ông già không biết vì sao chú Phấn ra đi.

Chỉ có ông nội biết vì sao chú Phấn ra đi. Chiếc xe khách của chú Tầng xếp người gọn một góc, còn lại là những bao tải sắn ngô chở xuôi về thị trấn bán cho những người buôn đến từ những xứ nảo xứ nào, tên nghe mơ hồ như tiếng chuông gió trên gác mái chùa đỉnh núi. Tôi chạy theo xe bụi đỏ ngầu một đoạn rất dài. Không ai tiễn chú Phấn cùng tôi. Tôi cũng không biết vì sao chú ra đi. Ông nội bảo, cho nó đi ra thị trấn, biết đâu nó thành người. Chứ giống thằng bố mày, cái nhà này mất phúc. Bố tôi khóc. Ông nội thở hắt, quay đi. Từ bấy không nghe ông nhắc bố nữa.


Chú Phấn đi nửa năm, vào một ngày hửng gió, người ta mang theo xe chú Tầng về một lá thư. Ông nội đọc rất lâu. Ông nội ngồi như cái gốc cây, trơ ra chòm râu đốm bạc. Không phải khóc. Không có điều gì khiến ông còn có thể khóc. Mẹ sẽ đón tôi. Mười lăm tuổi, tôi cần phải trở thành một người không giống như bố và không sống một cuộc đời khum tròn như cái rế đựng nồi cơm. Thế là mày cũng đi rồi! Ông nội quẳng cái điếu cày vào bếp. Cái điếu cày nỏ lửa, cháy bừng một góc nhà. Bố tôi và cô Phan chuẩn bị cho tôi hai ngày. Rồi tôi theo xe chú Tầng đi về thị trấn. Mẹ tôi đón tôi ở đó. Chú Phấn cũng sẽ đón tôi ở đó…

Tôi đã không về Bách Niên suốt mười năm sau đó. Mười năm. Trong cuộc đời tôi, có lẽ đó là mười năm lạnh lùng sóng gió, mười năm quần quật lớn lên rồi già đi, yêu thương rồi thù hận, trưởng thành đổ vỡ, đau khổ tan nát. Mười năm, tôi như một cây măng dần lớn thành cây trúc già, thô ráp và không mọc thẳng. Mười năm, tôi đã không còn mẹ ở bên cạnh. Tôi nhớ đêm ấy thị trấn mưa sầm sập, những khoảng đường tối om vì mất điện. Tôi ngồi trên gác, ngó ra khung cửa sổ bé như đôi mắt cáo, thấy mưa như một người đàn ông quá khỏe mạnh, khao khát chiếm đoạt cả thị trấn cho thỏa nỗi cuồng vọng. Đó là đêm trước khi tôi rời khỏi thị trấn, về thành phố học đại học. Mẹ nói sẽ làm một bữa tiệc mời cả thị trấn tới chúc mừng tôi, đứa trẻ đầu tiên đỗ đại học ở thành phố. Tôi tính sẽ quay về làng chào ông rồi mới ra đi. Trời mưa bão bập bùng, cảm giác mọi sông suối sẽ đầy ắp sau cơn mưa này. Tôi ngồi nghĩ về ông nội, nghĩ về chòm râu của ông nội lặng phắc như một giấc mơ cũ. Tôi mong trời sáng và mưa tạnh.

Trời vừa ngớt mưa và tôi tính gọi chú Phấn dậy thắp đèn. Bỗng điện sáng bừng khi tôi bước chân đến cửa phòng chú. Những cơn mưa ầm ĩ. Những nỗi đau âm ỉ. Mẹ đứng sững ở đó, tay mẹ che vội vã lên ngực. Mẹ thở dài. Mẹ cô đơn quá… Tôi im lặng, lấy áo choàng lên người mẹ. Tôi đã không về thăm ông nội, tôi không biết sẽ phải nói với ông như thế nào. Tôi cũng không nói lại với mẹ rằng, tôi không muốn tất cả những điều này, nó xuyên thủng mọi giấc mơ tốt đẹp của tôi về cuộc đời. Tôi đã ra đi. Về sau, nghe bố kể lại, chú Phấn về đòi bán cả thung lũng cho người ta dựng nhà máy. Ông nội cầm khúc tre già quật vào đùi chú. Chú gào lên, bỏ đi, đi mãi không về. Bố bảo, chú Phấn và mẹ đi Sài Gòn. Bố không biết Sài Gòn là gì. Tôi sống ở Sài Gòn suốt một năm, chưa từng nghe ai nói gì về chú Phấn. Tôi không biết mẹ có đi tìm tôi nữa hay không. Tôi không chắc mẹ muốn tìm tôi nữa. Nhưng chưa bao giờ tôi oán trách mẹ. Tôi biết, dù mẹ rời bỏ tôi quá lâu và quá dài, nhưng tôi đã có được một cuộc đời từ mẹ…

Tôi chỉ trở lại thung lũng khi tôi đạt được niềm hạnh phúc lớn lao trong công việc. Tôi muốn mang tấm bằng đại học và một bằng chứng nhận về thành quả lao động của tôi về cho ông nội. Tôi nhìn thấy người đàn ông nhỏ xíu mái tóc bạc bay phấp phới trên những tảng đá dài. Cô Phan ngồi bậu cửa, tay đan những sợi len dài màu đỏ. Cuộn len văng ra giữa sân, quấn vào đàn gà con, buộc túm chúng lại như một đám thảm rực màu. Bố chỉ tôi lên phía thượng nguồn. Ông nội nằm dưới gốc bồ đề già. Bồ đề đang rụng lá, bay phất phơ trong hư vô như một giấc mơ thoảng trầm hương. Bố bảo, khi ông nhắm mắt chào cuộc đời, ông trào nước mắt. Tôi đã đi quá xa, tôi rời khỏi vòng tay ông quá nhanh. Tôi ngồi bên cạnh ông trong buổi chiều khói bạc bay tràn bầu trời. Tôi nói khẽ với ông nội, cháu đã về quá muộn, nhưng thà như thế còn hơn cháu mang về tặng ông một tiếng thở dài. Tôi nghe tiếng ông nhẹ nhàng trong lòng đất ấm. Dường như ông đang nắm tay tôi. Ông ngồi đó trên phiến đá dài, nhìn lên bầu trời. Tôi đã ngồi đó, tới khi thung lũng cuộn bóng tôi vào lòng đêm, những giấc mơ cũng cuộn vào lòng đêm.


Tôi ngồi uống rượu ngô với bố. Những ngày này bố đã bớt ho, ông ngồi hiền lành như chú mèo già bên bếp lửa. Bố có giận con không? Không. Bố biết là con sẽ trở về. Nhưng con sẽ không ở lại. Và bố sẽ ngồi đây, chờ con quay về vào mỗi mùa xuân. Ông nội luôn tin con sẽ trở về vào những mùa xuân. Ông nội nói, đừng mang trong lòng những cơn hận, bởi khi con gặp một người đàn bà phản bội, con mới biết yêu những người chung thủy với mình. Phải biết cảm giác đớn đau của người xa xứ khi nghĩ về nguồn cội, con mới biết cái ấm áp của ngày trở về… Tôi muốn ôm bố trong vòng tay mình. Tay tôi thô ráp tự khi nào tôi không hề biết. Bố đã quá già và nhỏ bé. Nhưng bố vẫn là tất cả những gì còn lại, để tôi tha thiết với Bách Niên. Và để tôi quay lại.

Bách Niên. Tôi đã đánh lạc mười năm để có lại Bách Niên…

Dương Bình Nguyên



2 nhận xét:

  1. Truyện này rất cảm động. Rất ý nghĩa. Rất ít khi đọc thể loại truyện như thế này nhưng hôm nay lại dành ra vài h đồng hồ để ngồi đọc và nghiền ngẫm .Chỉ cảm nhận được một điều đơn giản là dù có đi đâu về đâu con người ta vẫn luôn nhớ về nguồn cội, về gia đình. :D Không có gì vui và ấm áp hơn khi được về quê hương, về với những người thân, về nơi mình được sinh ra và nuôi dưỡng mình.^^
    Đọc truyện của Dương Bình Nguyên cảm thấy truyện của rất sạch và giàu cảm xúc^^

    Trả lờiXóa
  2. Truyện này đọc đã lâu rồi nhưng hôm nay đọc lại vẫn cảm thấy hay

    Trả lờiXóa